Chuyện về tình đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ hai - 05/05/2014 11:11
“Đó là những tháng ngày gian khó nhưng ấm tình đồng đội!” Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã chia sẻ như vậy khi nhớ về thời kỳ tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.


Trải qua bao khói lửa đạn bom suốt những “dặm dài kháng chiến,” bước qua bao gập ghềnh, bão giông của thế thái nhân tình, ký ức về thời kỳ “nếm mật, nằm gai” ở chiến trường Điện Biên năm xưa vẫn vẹn nguyên trong ông.

Đó không chỉ là những trận đánh ác liệt, những chiến công vang dội mà còn là câu chuyện về tình đồng đội gắn bó keo sơn: Cùng chia đôi chiếc kẹo trên đường hành quân, canh gác cho đồng đội tranh thủ chợp mắt trên chính những hòm đạn nơi chiến hào…

Chiếc kẹo chia đôi

Ngày ấy, Thiếu tướng Hồ Phương là chính trị viên Đại đội 241, thuộc Tiểu đoàn phòng không-không quân 387 (Sư đoàn 308). Vào khoảng cuối tháng 2/1954, đơn vị của ông được lệnh tiến về Tây Bắc.

Theo lời kể của người cựu chiến binh, Đại đội 241 trong chiến dịch Điện Biên Phủ là đơn vị súng máy phòng không 12 ly 8 - loại súng hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Việt Nam tính đến thời điểm đó.

Trong ký ức của người chiến sỹ năm xưa, cuộc hành quân mang theo loại vũ khí này từ Thái Nguyên về Điện Biên kéo dài trong khoảng bốn đêm. Tiếng máy bay địch gầm rú liên tục trên bầu trời không ngăn được ý chí, niềm tin, sự thôi thúc chiến đấu và chiến thắng của quân ta.

“Bằng chứng là, trong những phút giải lao, các chiến sỹ thường ngồi quây quần, kể cho nhau nghe những câu chuyện quê nhà, ước mơ về một gia đình hạnh phúc với mảnh vườn tốt tươi cây trái trong hòa bình… Trên dọc hành trình ấy, từ chiếc kẹo, tờ giấy để viết thư, anh em đều chia đôi, san sẻ cùng nhau,” nụ cười rạng rỡ, nhà văn Hồ Phương kể lại.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ bến Tạ Khoa - một địa điểm quan trọng nằm trên con đường chiến lược nối giữa Yên Bái và Lai Châu, rồi cơ động lên bảo vệ các đơn vị trọng pháo của mặt trận.

“Thời gian ấy, chúng tôi như được tiếp một nguồn sức mạnh kỳ diệu. Suốt hai tháng di chuyển liên tục giữa các trận địa, hầm hào, việc tắm giặt, nghỉ ngơi là điều khó gặp (đồng đội thường canh gác cho nhau chợp mắt ngay trên chính những hòm đạn nơi chiến hào); nhưng số người bị ốm rất ít,” đôi tay nắm chặt, giọng kể đầy hào hứng, người lính già nhớ lại.

Thiếu tướng kể, ngày 15/3/1954, sau khi quân ta giành được đồi Độc Lập, đơn vị của ông dần tiến sâu vào Mường Thanh với nhiệm vụ chính là đánh đường tiếp viện của địch bằng máy bay. Khó khăn nối tiếp khó khăn! Mất sân bay Mường Thanh, địch sẽ mất đường tiếp viện. Bởi vậy, chúng cố thủ bằng mọi giá.

“Địch cho một tiểu đoàn có pháo binh, xe tăng tấn công đơn vị phòng không xung kích; buộc ta phải hạ nòng 12 ly 8 để bắn hạ xe tăng địch. Sau đó, chiến sỹ ta phải đối mặt với địch theo tinh thần: Tất cả những gì có trong tay (kìm, gậy…) đều là vũ khí chiến đấu; bởi đơn vị không được trang bị vũ khí đánh bộ,” ký ức hiện ra như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

“Tôi còn nợ cuộc đời…”

Trong ký ức của Thiếu tướng Hồ Phương, càng gần đến ngày quân ta giành thắng lợi hoàn toàn, các trận đánh càng trở nên ác liệt.

“Tiếng súng đạn, tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời hầu như không ngừng. Việc cứu chữa thương binh, việc chôn cất đồng đội phải diễn ra vào ban đêm. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi núi cao, rừng sâu, hòa mình vào đất trời, cây cỏ Điện Biên,” nói rồi, giọng ông trùng xuống, đôi mắt rưng rưng.

Suốt cuộc trò chuyện, ông vẫn luôn nhận mình là “người may mắn,” được trở về đoàn tụ với gia đình, hòa cùng niềm hạnh phúc của cả dân tộc khi hòa bình lập lại, giang sơn thu về một mối.

Những chất liệu hiện thực ấy đã đi vào những trang văn của nhà văn quân đội này: “Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ” (1956), “Lá cờ chuẩn đỏ thắm” (1957)…

“Đời sống quân ngũ đã giúp tôi trưởng thành, có cái nhìn thực tế, cảm nhận sâu sắc về cuộc đấu tranh gian khó của dân tộc. Thế nhưng, tôi vẫn nợ cuộc đời,” dáng vẻ trầm ngâm như đang suy ngẫm, nhà văn chia sẻ.

Theo ông, món nợ ấy là những trang viết về cuộc chiến, về những người chiến sỹ cách mạng một cách thực hơn, “sát” hơn với những gì vốn có.

“Trước đây, các tác phẩm của tôi thường viết theo chủ nghĩa anh hùng ca. Ở đó, hình tượng người anh hùng, người chiến sỹ cách được xây dựng tròn trịa, toàn vẹn quá! Để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia cách mạng, họ được tập trung tô đậm những phẩm chất tốt đẹp. Những góc khuất, những tâm sự đời tư, xúc cảm cá nhân thường bị làm mờ nhòe đi,” nhà văn bày tỏ.

Lặng đi chừng vài phút, nhà văn Hồ Phương bảo, món nợ ấy, nhất định ông sẽ trả! “Cây đa, cây đề” của làng văn chia sẻ, ở mỗi cuộc chiến, bên cạnh vinh quang chiến thắng còn là máu và nước mắt; ở mỗi con người, những ưu điểm luôn tồn tại cùng những khuyết điểm.

“Tất cả phải được nhìn một cách toàn diện. Đề tài chiến tranh vẫn là một mạch ngầm quan trọng để các nhà văn khai thác. Tôi sẽ viết tiếp về những người chiến sỹ với tất cả những gì vốn có ở họ (những lúc lúng túng không biết cách nạp đạn, sử dụng vũ khí, những phút nhớ nhà hay cả những khoảnh khắc yếu lòng…),” nhà văn chia sẻ./.


Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương; sinh năm 1930 tại Hà Nội. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1990.

Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật với hai tác phẩm “Ngàn dâu,” “Những cánh rừng lá đỏ.”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
  THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay563
  • Tháng hiện tại3,758
  • Tổng lượt truy cập1,095,729
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây